Giỏ hàng trống

nhận tin KHUYẾN MÃI

Phanh xe đạp là gì? Gồm các loại phanh xe đạp nào?

Nhắc đến xe đạp, không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống phanh - thành phần quyết định lớn đến độ an toàn và hiệu suất điều khiển xe. Cùng tìm hiểu đâu là các loại phanh xe đạp phổ biến trên thị trường và so sánh phanh đĩa và phanh chữ V qua bài viết sau đây.

1. Phanh xe đạp là gì?

Phanh hay thắng xe đạp là bộ phận không thể thiếu của xe đạp, giúp người điều khiển xe giảm tốc độ hoặc dừng hẳn khi cần thiết. Phanh hoạt động dựa trên nguyên lý ma sát, tức là khi các bộ phận của phanh tiếp xúc với nhau hoặc với vành xe, ma sát được tạo ra sẽ làm giảm tốc độ quay của bánh xe, từ đó kiểm soát tốc độ di chuyển.

phanh xe đạp

Cấu tạo cơ bản của hệ thống phanh xe đạp bao gồm tay phanh, dây phanh hoặc ống dẫn dầu, má phanh và cơ chế phanh (vành phanh, đĩa phanh, hoặc trống phanh). Mỗi loại phanh sẽ có cấu trúc, cách thức hoạt động riêng, sao cho phù hợp với từng loại xe và mục đích sử dụng khác nhau.

Hệ thống phanh không chỉ đảm bảo an toàn khi di chuyển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất lái xe, đặc biệt khi đi qua địa hình gồ ghề hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.

2. Các loại phanh xe đạp

Dưới đây là một số dòng phanh thường gặp trên thị trường.

Phanh chữ V

Phanh chữ V là loại phanh vành sở hữu thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả cao. Điểm đặc biệt của loại phanh này là cánh tay đòn dài, giúp tạo lực phanh mạnh mẽ. Cơ chế hoạt động của phanh chữ V là: khi tay phanh được bóp, dây phanh kéo hai má phanh ép chặt vào vành xe, tạo ra ma sát để làm giảm tốc độ.

phanh chữ v

Ưu điểm lớn nhất của phanh chữ V là trọng lượng nhẹ, cấu trúc đơn giản, chi phí thấp và dễ dàng bảo trì. Điều này làm cho phanh chữ V trở thành lựa chọn lý tưởng cho các loại xe đạp phổ thông, xe đạp touring và xe đạp leo núi. Tuy nhiên, nhược điểm của loại phanh này là hiệu suất có thể giảm khi vành xe bị cong hoặc bẩn, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt.

Phanh Cantilever 

Phanh Cantilever là loại phanh vành xuất hiện trên các mẫu xe đạp leo núi đời đầu. Cơ chế hoạt động của phanh này dựa vào dây cáp ngang nối hai má phanh, tạo lực kéo giúp má phanh ép chặt vào vành xe.

phanh Cantilever

Phanh Cantilever có ưu điểm về trọng lượng nhẹ và cấu trúc đơn giản. Tuy nhiên, lực phanh không mạnh bằng phanh hiện đại và khoảng cách phanh thường dài hơn. Hiện nay, phanh Cantilever chủ yếu được sử dụng trên dòng đạp cấp thấp hoặc xe đạp cổ điển, ít phổ biến trên dòng xe hiện đại.

Phanh Caliper 

Phanh Caliper (hay còn gọi là phanh hình chữ C) là loại phanh được thiết kế với khung kim loại có hai cánh tay đòn kéo má phanh ép vào vành xe. Đây là loại phanh thường thấy trên các dòng xe đạp đua hoặc xe đạp đường trường.

phanh Caliper

Ưu điểm của phanh Caliper là thiết kế nhỏ gọn, dễ lắp đặt và bảo trì. Tuy nhiên, do cánh tay đòn ngắn nên lực phanh không mạnh như phanh V Brake. Vì vậy, loại phanh này phù hợp nhất khi di chuyển trên địa hình bằng phẳng, không yêu cầu lực phanh lớn.

Phanh đĩa 

Phanh đĩa sử dụng đĩa phanh gắn trên bánh xe, má phanh và kẹp phanh để tạo lực phanh. Có hai loại phanh đĩa chính là phanh đĩa cơ và phanh đĩa thủy lực. Phanh đĩa cơ hoạt động bằng dây cáp, trong khi phanh đĩa thủy lực sử dụng dầu thủy lực để truyền lực. 

phanh đĩa

Loại phanh này mang đến hiệu suất sử dụng cao, đặc biệt trên địa hình khó khăn hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt bảo trì phanh đĩa thường cao hơn, yêu cầu kỹ thuật bảo dưỡng phức tạp hơn so với phanh truyền thống.

Phanh đùm

Phanh đùm hoạt động dựa trên nguyên lý ma sát giữa má phanh và bề mặt bên trong của trống phanh. Đây là loại phanh có thiết kế bền bỉ, ít hỏng hóc và dễ sửa chữa. Nhược điểm lớn nhất của phanh đùm là khả năng tản nhiệt kém, khiến hiệu suất giảm trong các chuyến đi dài hoặc khi phanh liên tục. Hiện nay, phanh đùm chủ yếu được sử dụng trên các loại xe đạp dân dụng và xe đạp điện.

phanh Drum

Phanh con lăn

Phanh con lăn là phát minh của hãng Shimano với thiết kế dành riêng cho xe đạp đô thị hoặc xe đạp giải trí. Hệ thống phanh này sử dụng cam và con lăn để đẩy má phanh tiếp xúc với trống phanh, tạo lực ma sát để dừng xe.

phanh con lăn

 

Ưu điểm của phanh con lăn là hiệu suất phanh cao, phản hồi nhanh và tuổi thọ lâu dài nhờ thiết kế tích hợp cánh tản nhiệt và cổng bơm dầu. Về nhược điểm, phanh có trọng lượng nặng nên ít được sử dụng trên dòng xe đạp hiện đại.

3. So sánh phanh đĩa và phanh chữ V

Phanh đĩa và phanh chữ V là hai loại phanh được ứng dụng phổ biến trên các dòng xe đạp hiện đại. Hai loại phanh này có gì khác nhau? 

Hiệu suất phanh

Phanh đĩa nổi bật nhờ lực phanh mạnh mẽ, ổn định trong mọi điều kiện, đặc biệt là khi trời mưa, lầy. Thiết kế phanh tác động trực tiếp lên đĩa gắn trên moay ơ, giúp hạn chế ảnh hưởng từ nước và bùn đất bám trên bánh xe. Phanh đĩa còn giảm thiểu hiện tượng phai lực phanh (brake fade) khi sử dụng liên tục, phù hợp cho những chuyến đi dài hoặc địa hình đồi núi.

phanh v và phanh đĩa

Phanh chữ V có lực phanh kém hơn trong điều kiện ẩm ướt hoặc bùn lầy, do lực phanh tác động trực tiếp lên vành bánh xe. Tuy nhiên, trong điều kiện khô ráo và địa hình bằng phẳng, phanh chữ V vẫn đủ đáp ứng nhu cầu phanh cơ bản cho người dùng thông thường.

Trọng lượng

Phanh đĩa thường nặng hơn do cấu trúc phức tạp gồm đĩa, kẹp phanh (caliper) và dây dẫn thủy lực hoặc cơ học. Điều này có thể làm tăng trọng lượng tổng thể của xe, ảnh hưởng đến tốc độ, độ linh hoạt.

Phanh chữ V có thiết kế đơn giản, nhẹ hơn làm giảm trọng lượng xe và phù hợp với những ai yêu thích tốc độ hoặc xe nhẹ.

Chi phí

Phanh đĩa thường đắt hơn phanh chữ V, không chỉ ở chi phí mua ban đầu mà còn ở chi phí bảo trì, thay thế phụ tùng. Trong khi đó, phanh chữ V thường có giá thành rẻ hơn. Đây là lựa chọn phù hợp cho người dùng không muốn đầu tư quá nhiều tiền vào xe đạp.

Bảo trì

Phanh đĩa yêu cầu kỹ thuật bảo trì cao hơn, đặc biệt là khi cần thay má phanh hoặc điều chỉnh hệ thống phanh thủy lực. Tuy nhiên, nếu lắp đặt đúng cách, chúng ít cần phải can thiệp hơn so với phanh chữ V.

Phanh chữ V dễ dàng điều chỉnh và thay thế linh kiện hơn. Người dùng phổ thông có thể tự thực hiện bảo trì với dụng cụ đơn giản.

Độ bền và tác động lên bánh xe

Phanh đĩa không gây tác động trực tiếp lên vành bánh xe nên bảo vệ vành tốt hơn và tăng tuổi thọ bánh xe. Phanh chữ V tác động trực tiếp lên vành bánh xe, có thể gây mòn và hỏng vành sau thời gian dài sử dụng. Việc này có thể dẫn đến chi phí thay thế vành bánh cao hơn.

Nhìn chung, nếu bạn ưu tiên hiệu suất phanh tối ưu, đặc biệt khi di chuyển trên địa hình khó khăn hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phanh đĩa là lựa chọn lý tưởng. Nếu bạn tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí, dễ bảo trì, và phù hợp cho những chuyến đi thông thường trên địa hình bằng phẳng, phanh chữ V sẽ đáp ứng tốt hơn.

Bài viết đã cung cấp thông tin về các loại phanh xe đạp phổ biến hiện nay đồng thời so sánh hai dòng phanh chữ V và phanh đĩa. Mỗi loại phanh đều sở hữu ưu, nhược điểm riêng, phù hợp với từng nhu cầu sử dụng khác nhau. Điều quan trọng nhất là người dùng cần xác định rõ mục đích, điều kiện địa hình và ngân sách để chọn được loại phanh phù hợp.

Tin xem nhiều

Sản phẩm đã xem