Giỏ hàng trống

nhận tin KHUYẾN MÃI

Xe máy không đề được: Nguyên nhân & Cách khắc phục

Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống xe máy không đề được những lúc vội vã? Tình trạng này không chỉ gây bực bội mà còn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển. Theo dõi bài viết sau để tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nhé.

1.  Nguyên nhân & Cách khắc phục xe máy không đề được

Xe máy không đề được là vấn đề khiến người dùng cảm thấy lo lắng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.

Bình ắc quy bị hết điện hoặc yếu

Bình ắc quy là nguồn năng lượng chính cung cấp cho quá trình khởi động xe. Khi bình ắc quy yếu hoặc hết điện, năng lượng không đủ để khởi động động cơ, dẫn đến việc xe không thể đề nổ.

ắc quy bị hết điện

Để khắc phục, bạn hãy sạc lại bình ắc quy bằng bộ sạc chuyên dụng. Nếu sạc xong mà xe vẫn không đề được, rất có thể bình ắc quy đã bị hỏng và cần phải thay thế bằng bình mới.

Bugi bị hỏng

Bugi bị hỏng, khả năng đánh lửa sẽ giảm đi đáng kể và khiến xe máy không thể khởi động được. Nguyên nhân khiến bugi bị hỏng có thể do bugi bị bám cặn carbon, bugi bị mòn hoặc khoảng cách giữa hai điện cực của bugi không đúng tiêu chuẩn.

Bạn tháo bugi ra kiểm tra. Nếu bugi bị bẩn, bạn có thể làm sạch bằng cách dùng bàn chải và xăng để chà rửa, sau đó thổi khô. Nếu bugi đã quá mòn hoặc hỏng, bạn nên thay thế bằng bugi mới.

Bộ phận đề không hoạt động

Khi bộ phận đề gặp sự cố, xe sẽ không thể khởi động được. Nguyên nhân có thể do chổi than của củ đề bị mòn, rơ le củ đề bị lỗi, nút đề bị hỏng hoặc dây đề bị đứt, chập.

bộ phận để xe bị hỏng

Bạn kiểm tra bộ phận đề bằng cách nghe tiếng động khi bấm nút đề. Nếu không có tiếng hoặc tiếng động lạ, bộ phận đề có thể bị hỏng, cần sửa chữa hoặc thay thế. Nếu không có kinh nghiệm, tốt nhất nên đưa xe đến thợ sửa xe chuyên nghiệp để kiểm tra, xử lý.

Do thời tiết chuyển lạnh 

Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thấp sẽ làm tăng độ nhớt của dầu nhớt, khiến động cơ khó khởi động hơn. Ngoài ra, bình ắc quy cũng hoạt động kém hiệu quả ở nhiệt độ thấp. Với trường hợp này, bạn bật đèn pha hoặc xi nhan để làm ấm động cơ. 

Xe bị sặc xăng

Xe bị sặc xăng là tình trạng xăng tràn vào buồng đốt quá nhiều, gây khó khăn khi đánh lửa. Để khắc phục, bạn thực hiện:

  • Khóa xăng lại và vặn hết tay ga lên. Tiếp tục bấm start vài lần cho đến khi máy nổ. Khi máy bắt đầu nổ, tiếng máy sẽ không đều trong khoảng 5-10 giây, sau đó sẽ ổn định. Khi đó, bạn có thể mở khóa xăng và vận hành xe bình thường.

  • Nếu xe vẫn không nổ, tháo bugi, rửa sạch bằng xăng và bàn chải, rồi thổi khô.

  • Tắt công tắc điện, bịt ngón tay vào lỗ bugi, sau đó đạp cần khởi động vài chục lần để xăng trong buồng đốt thoát ra ngoài. Cuối cùng, lắp lại bugi và khởi động bình thường.

Rơle bị hỏng

Rơle trong hệ thống đề xe máy có nhiệm vụ điều khiển dòng điện từ bình ắc quy tới mô-tơ đề. Khi rơle bị hỏng, dòng điện sẽ không được cung cấp đầy đủ khiến xe không thể khởi động được. Nguyên nhân có thể do rơle bị cháy, tiếp điểm bị oxy hóa hoặc dây điện nối với rơle bị đứt, chập.

Để khắc phục, bạn cần kiểm tra, vệ sinh các tiếp điểm của rơle. Bạn nên thay thế bằng rơle mới nếu rơle bị cháy hoặc hư hỏng. Đồng thời, kiểm tra và thay thế dây điện nếu cần thiết.

2. Mẹo chăm sóc xe máy để sử dụng lâu dài

Chăm sóc xe máy đúng cách không chỉ giúp xe hoạt động ổn định, bền bỉ mà còn tiết kiệm chi phí sửa chữa. Bạn có thể thực hiện một số mẹo nhỏ sau:

chăm sóc xe máy

  • Thay dầu nhớt định kỳ: Dầu nhớt giúp động cơ hoạt động trơn tru, bền bỉ. Bạn nên thay dầu định kỳ sau 1000 - 1500km (xe số) và 2000 - 2500km (xe tay ga), chọn đúng loại dầu và kiểm tra mức dầu thường xuyên.

  • Kiểm tra và bảo dưỡng lốp xe: Bạn đảm bảo lốp xe không quá non hoặc quá căng, tránh ảnh hưởng đến khả năng bám đường, tiêu hao nhiên liệu. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra độ mòn của lốp và thay mới khi cần thiết để đảm bảo di chuyển an toàn.

  • Chăm sóc hệ thống phanh: Bạn nên kiểm tra định kỳ má phanh, dầu phanh và hệ thống phanh tổng thể. Nếu phanh kêu hoặc hiệu quả phanh giảm, hãy đưa xe đi kiểm tra, sửa chữa ngay lập tức.

  • Bảo dưỡng bugi và lọc gió: Lọc gió giúp làm sạch không khí trước khi vào buồng đốt, bugi chịu trách nhiệm đánh lửa. Bạn nên vệ sinh hoặc thay thế lọc gió sau mỗi 10.000 - 15.000 km và kiểm tra bugi định kỳ. Nếu bugi bị mòn hoặc bẩn, hãy thay thế để đảm bảo hiệu suất động cơ.

  • Vệ sinh và bảo dưỡng hệ thống truyền động: Đối với xe số, xích tải và nhông sên dĩa là những bộ phận cần được bôi trơn, điều chỉnh định kỳ. Đối với xe tay ga, dây đai truyền động cũng cần được kiểm tra, thay mới để tránh tình trạng đứt dây giữa đường.

  • Giữ xe luôn sạch sẽ: Bạn nên chăm sóc, vệ sinh xe ít nhất hai tuần một lần để bảo vệ lớp sơn và chi tiết kim loại khỏi bị ăn mòn.

  • Bảo quản xe đúng cách: Nếu bạn không sử dụng xe trong một thời gian dài, hãy cất giữ xe ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Bạn có thể tắt khóa xăng, tháo bình ắc quy để tránh tình trạng xe bị cạn ắc quy hoặc sặc xăng.

Tình trạng xe máy không đề được tuy phổ biến nhưng hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân và khắc phục đúng cách. Ngoài ra, bạn nên bảo dưỡng xe máy định kỳ để sớm phát hiện, xử lý sự cố và tránh những hư hỏng nghiêm trọng hơn.

Tin xem nhiều

Sản phẩm đã xem